Thực trạng công nghiệp Việt Nam thời gian qua
I. Những thành tựu đạt được
Công nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, những năm gần đây có đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao. Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, một số ngành công nghiệp như: điện, điện tử, công nghệ thông tin và viễn thông, chế tạo thiết bị năng lượng, dệt may, da giày, xây dựng… đã có những bước phát triển mạnh mẽ, góp phần tích cực trong giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng năng suất và nâng cao đời sống của nhân dân.
Trong 10 năm qua, công nghiệp Việt Nam đã đạt được một số thành tựu đáng chú ý sau:
- Công nghiệp là ngành đóng góp ngày càng lớn trong nền kinh tế. Bình quân giai đoạn 2006 – 2017, công nghiệp chiếm hơn 30% trong GDP của cả nước. Ngành công nghiệp cũng là ngành đóng góp lớn nhất cho ngân sách nhà nước.
- Sản xuất công nghiệp liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp tăng liên tục trong giai đoạn 2006 – 2017, giá trị gia tăng công nghiệp tăng bình quân 6,79%/năm.
Năm 2018, trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế, khu vực công nghiệp tăng 8,79%, đóng góp 2,85 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục khẳng định là điểm sáng của khu vực công nghiệp và là động lực chính của tăng trưởng với mức tăng 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế. Tuy nhiên, ngành công nghiệp khai khoáng tiếp tục xu hướng giảm theo định hướng tái cơ cấu chung (giảm 3,11%), làm giảm 0,23 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 10,2%, vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đã được đặt ra từ đầu năm (tăng 9%), tuy thấp hơn mức tăng 11,3% của năm 2017 nhưng cao hơn mức tăng các năm 2012 - 2016.Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng với tốc độ cao, phù hợp với định hướng tái cơ cấu mô hình tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
- Cơ cấu các ngành công nghiệp có sự chuyển biến tích cực, tăng tỷ trọng của công nghiệp chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng của ngành khai khoáng, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành. Đóng góp vào tăng trưởng GDP của công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục tăng từ năm 2015. Tỷ trọng GDP của nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 14,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 16,2% năm 2016, 17,4% năm 2017 và 18,3% ước cho năm 2018; của nhóm ngành khai khoáng giảm từ 8,8% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 xuống 7,6% năm 2016, 6,6% năm 2017 và 6% ước cho năm 2018.
Một số ngành công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là các ngành điện tử, dệt may, da – giày, chế biến thực phẩm… Tỷ trọng các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao và công nghệ trung bình ngày càng tăng. Đã có một số doanh nghiệp công nghiệp có quy mô lớn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.
- Công nghiệp trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng ở mức cao; cơ cấu sản phẩm công nghiệp xuất khẩu đã có sự dịch chuyển tích cực. Trong giai đoạn 2006 – 2016, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp tăng gần 3,5 lần, chiếm tới 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, trong đó tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng tăng. Nhiều mặt hàng công nghiệp như da – giày, dệt may, điện tử có vị trí xếp hạng xuất khẩu cao so với khu vực và thế giới.
- Đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô là các Tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công; trong lĩnh vực sản xuất chế biến sữa và thực phẩm là Vinamilk, TH; trong lĩnh vực sắt thép, kim khí là Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn Hòa Phát, Công ty TNHH Hòa Bình Minh, Công ty thép Pomina, Công ty CP thép Nam Kim... Đây là những tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương chung của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước.
- Phát triển công nghiệp đã góp phần tích cực trong giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân. Lực lượng lao động trong ngành công nghiệp ngày càng tăng về số lượng. Bình quân mỗi năm, ngành công nghiệp tạo thêm khoảng 300.000 việc làm.
II. Những tồn tại và hạn chế
Mặc dù đạt được một số thành tựu, tuy nhiên, nền công nghiệp nước ta thời gian qua phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chủ yếu phát triển theo các mục tiêu ngắn hạn, thiếu tính bền vững. Những hạn chế, tồn tại của công nghiệp Việt Nam chủ yếu gồm:
- Tăng trưởng công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Công nghiệp chưa thực sự là nòng cốt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong nhiều năm qua, tỷ trọng của công nghiệp trong GDP thay đổi không lớn. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp có xu hướng tăng song vẫn ở mức thấp so với yêu cầu công nghiệp hóa.
- Tái cơ cấu các ngành công nghiệp thực hiện còn chậm, chưa tạo ra những thay đổi đáng kể về cơ cấu ngành, chưa tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
- Trình độ công nghệ nhìn chung còn thấp, chậm được đổi mới, nhất là đối với các doanh nghiệp công nghiệp trong nước. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp công nghiệp nước ta vẫn đang sử dụng công nghệ tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 – 3 thế hệ, đặc biệt là trình độ cơ khí chế tạo (là trụ cột của sản xuất công nghiệp).
- Công nghiệp chưa thu hút mạnh mẽ lao động để tạo ra sự dịch chuyển cơ cấu lao động chung của nền kinh tế đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa. Tỷ lệ lao động công nghiệp trong tổng lao động có việc làm của nước ta thấp hơn nhiều so với các nước khác đã thực hiện thành công công nghiệp hóa trong giai đoạn nửa đầu của thời kỳ dân số vàng.
- Nội lực của ngành công nghiệp còn yếu, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong khi việc chuyển giao công nghệ còn hạn chế; năng lực, hiệu quả của các doanh nghiệp công nghiệp trong nước ở mức thấp.
- Năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp còn thấp, kém xa các nước khác trong khu vực và châu lục.
- Khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam còn rất hạn chế, chủ yếu tham gia vào khâu gia công, lắp ráp. Phần lớn các mặt hàng công nghiệp của Việt Nam có hàm lượng công nghệ thấp, ngoại trừ hàng điện tử chủ yếu do khu vực FDI nắm giữ. Số lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực Việt Nam có lợi thế so sánh đang có xu hướng giảm.
- Chất lượng năng suất lao động ngành công nghiệp còn thấp, có khoảng cách khá xa so với các nước khác.
- Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên phát triển không đạt mục tiêu đã đề ra. Trong số các ngành ưu tiên theo xác định của Chính phủ, có các ngành công nghiệp ưu tiên có tốc độ tăng trưởng khá cao là dệt may, da – giày, thép, điện tử. Tuy nhiên, các ngành công nghiệp này chỉ thực sự tham gia được ở một vài khâu có giá trị gia tăng thấp trong chuỗi giá trị, phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian, máy móc thiết bị sản xuất trong khi nguồn lực nhà nước hỗ trợ các ngành này thông qua ưu đãi về thuế là khá lớn. Nhiều ngành công nghiệp ưu tiên khác không đạt mục tiêu đã đề ra.
- Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Hiện nay, công nghiệp hỗ trợ mới đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu trong nước về sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đối với các sản phẩm chủ yếu là linh kiện và chi tiết đơn giản, có giá trị thấp trong cơ cấu giá trị sản phẩm. Tỷ lệ nội địa hóa của hầu hết các ngành công nghiệp ở mức thấp.
- Vốn đầu tư vào khu vực công nghiệp đa số tập trung vào các ngành có thời gian hoàn vốn ngắn như công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng và chế biến thực phẩm, số dự án đầu tư vào công nghệ cao chưa nhiều.
- Liên kết vùng trong phát triển công nghiệp còn hạn chế và kém hiệu quả. Không gian phát triển công nghiệp hiện nay còn bị chia cắt theo địa giới hành chính, thiếu sự hợp tác và phân công lao động trong vùng, chưa có sự phân bố hợp lý trên phạm vi toàn quốc dựa trên lợi thế so sánh. Việc kết hợp và lồng ghép chính sách phát triển ngành công nghiệp với chính sách phát triển vùng chưa hiệu quả, chưa xây dựng được mạng lưới các cụm công nghiệp.
- Phát triển công nghiệp gắn kết chưa chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, đặc biệt là nông nghiệp.
Ngành công nghiệp phát triển thiếu gắn kết chặt chẽ đã ảnh hưởng đến việc phát huy tối đa lợi thế của các ngành kinh tế khác, trong đó đặc biệt là nông nghiệp. Giữa công nghiệp và nông nghiệp là mối liên kết cộng sinh, không thể phát triển ngành này mà không cần đến sự phát triển của ngành kia, và ngược lại. Đối với công nghiệp, nông nghiệp là nguồn cung nguyên liệu đầu vào như mía, bông, trà, gạo, lúa mì… cho ngành công nghiệp chế biến. Ngược lại, đối với nông nghiệp, công nghiệp là ngành cung cấp công cụ lao động, máy móc thiết bị giúp nâng cao hiệu quả sản xuất như máy kéo, máy cày, máy thu hoạch, máy bơm nước, phân bón… tăng hiệu quả tiếp cận thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp thông qua các hoạt động xây dựng đường sá, chợ, siêu thị, nhà kho… Trong các chính sách phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là việc cơ khí hóa nông nghiệp và phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản.
+ Đối với việc cơ khí hóa nông nghiệp: Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Việt Nam trung bình đạt 1,6 mã lực (HP)/ha canh tác, thấp hơn nhiều so với Thái Lan (4 HP/ha), Trung Quốc (8 HP/ha), Hàn Quốc (10 HP/ha).
Hiện nay, Việt Nam phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, phần lớn trong số đó có nguồn gốc từ Trung Quốc. Tại đồng bằng sông Cửu Long, việc cơ giới hóa canh tác được thực hiện chủ yếu trong ngành trồng lúa, mía đường. Ngược lại, tỷ lệ này còn rất thấp với các cây trồng cạn khác ở vùng Tây Bắc, Tây Nguyên. Trên thực tế, có rất nhiều loại máy nông nghiệp, phụ thuộc vào quy trình canh tác, thu hoạch các loại cây trồng khác nhau, điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu của từng vùng miền.
Hiện nay, ngành Cơ khí phục vụ nông nghiệp đang phải đối mặt với hai vấn đề quan trọng cần giải quyết. Thứ nhất là chất lượng kim loại của chi tiết máy nông nghiệp chưa được đầu tư đúng mức, chủ yếu ở các khâu công nghệ rèn, đúc chi tiết máy, công nghệ gia công và công nghệ nhiệt luyện để tăng độ bền và tuổi thọ chi tiết máy. Thứ hai là chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu về vận hành máy móc cơ giới hóa nông nghiệp.
Thực tế này cho thấy ngành cơ khí nông nghiệp hiện nay còn nhiều yếu kém, chưa có sự quan tâm đầu tư mạnh mẽ. Mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nhưng việc tổ chức thực thi chưa đem lại kết quả như mong đợi.
+ Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản đã đạt được những bước phát triển tích cực những năm gần đây. Cả nước đã hình thành hệ thống khoảng hơn 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, trong đó có một số ngành hàng có công nghệ hiện đại, đáp ứng nhu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm đạt 5-7%.
Nhờ công nghiệp chế biến nông sản tăng trưởng mạnh mà các mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng bình quân khoảng 8-10%/năm. Bước đầu đã có một số ngành hàng, doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, chú trọng áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm và các thị trường cao cấp.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản của nước ta chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn trong số các sản phẩm nông lâm thủy sản chế biến được xuất khẩu là ở dưới dạng sơ chế thô. Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị hàng nông sản chế biến của nước ta thường thấp hơn từ 15 - 50% so với các sản phẩm cùng loại từ những nước khác.
III. Nguyên nhân của các hạn chế, yếu kém
- Môi trường kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp. Sau khi gia nhập WTO năm 2007, qui mô nền kinh tế được mở rộng. Tuy nhiên trong thời gian dài đến năm 2015, môi trường kinh tế vĩ mô còn chưa ổn định, chưa tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Một số lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đem lại tỷ suất lợi nhuận cao đã thu hút phần lớn nguồn lực của xã hội. Bên cạnh đó việc thu hồi vốn chậm, tỷ suất lợi nhuận thấp do lãi suất tín dụng cao chưa khuyến khích và đánh thức được sự quan tâm của xã hội đầu tư vào lĩnh vực sản xuất công nghiệp (thiếu tinh thần xã hội sản xuất). Điều đó dẫn đến số lượng các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp kém phát triển và ít ỏi như hiện nay.
(Việc khởi tạo doanh nghiệp công nghiệp chế tạo gặp nhiều khó khăn và rủi ro so với việc thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại và dịch vụ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo thành lập mới chỉ chiếm hơn 12,5% tổng số doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016. Hiện nay, số lượng doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ chiếm khoảng gần 15% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế
Trong khi đó, riêng quận Oita, một trong 23 quận của thành phố Tokyo có hơn 3000 doanh nghiệp chế tạo, tỉnh Kanagawa có 60.000 doanh nghiệp chế biến chế tạo tương đương với số doanh nghiệp chế biến chế tạo của Việt Nam, (75.000 năm 2017) trong đó phần lớn các doanh nghiệp CNHT có qui mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ nhưng tham gia rất sâu vào các chuỗi sản xuất toàn cầu ở các phân đoạn có giá trị gia tăng rất cao như cung cấp linh kiện và phụ tùng cho công nghiệp hàng không).
- Chính sách phát triển công nghiệp thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Chưa tạo lập được môi trường kinh doanh công nghiệp thuận lợi, minh bạch, ổn định và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh; Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên và ngành công nghiệp mũi nhọn còn quá dàn trải; Chính sách phát triển công nghiệp của nhiều địa phương còn hình thức, chưa phù hợp với lợi thế so sánh, thiếu sự phối hợp dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, làm ảnh hưởng đến quy hoạch công nghiệp của vùng, của quốc gia; Chưa có các chính sách đủ mạnh để chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp theo hướng gia tăng các ngành công nghiệp công nghệ cao.
- Chưa có đột phá trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển công nghiệp. Nguồn đầu tư của xã hội cho phát triển công nghiệp phụ thuộc ngày càng nhiều vào nước ngoài. Đầu tư của nhà nước vào các ngành công nghiệp thiếu trọng tâm, kém hiệu quả. Tín dụng cho phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp ưu tiên còn ở mức thấp. Thị trường chứng khoáng phát triển chưa tương xứng với yêu cầu phát triển công nghiệp.
- Chất lượng lao động ngành công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Khoa học và công nghệ chưa thực sự đóng vai trò đột phá cho phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp.
- Chính sách phát triển các doanh nghiệp công nghiệp còn nhiều hạn chế. Thiếu các chính sách đủ mạnh để tăng cường năng lực của các doanh nghiệp công nghiệp tư nhân trong nước. Chính sách thu hút FDI chậm được đổi mới đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại ngành công nghiệp.
- Hệ thống doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ kém phát triển. Phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ sản xuất chưa cao, rất khó khăn tiếp cận và đáp ứng được yêu cầu được khách hàng. Khoảng cách giữa yêu cầu của khách hàng và khả năng của các nhà cung cấp nội địa khá lớn. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ phải đáp ứng tiêu chuẩn của người mua, nhà sản xuất không tự đặt ra tiêu chuẩn cho sản phẩm của mình, chưa kể các yêu cầu về giá cả và tiến độ giao hàng.
Tuy nhiên, để sản xuất được các linh phụ kiện chi tiết này cũng là vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao trình độ sản xuất, trình độ công nghệ. Đây cũng là vấn đề nan giải đối với phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam do tiềm lực chưa đủ mạnh. Các biện pháp hỗ trợ, bồi dưỡng các doanh nghiệp đủ khả năng sản xuất, đáp ứng được yêu cầu quan trọng hơn các ưu đãi sẽ được hưởng. Trên thực tế, bên cạnh các điều kiện khác như trình độ công nghệ, vốn, nguồn nhân lực, doanh nghiệp phải đạt được các chuẩn mực quốc tế về quản trị sản xuất là điều kiện tiên quyết. Bên cạnh đó, việc các MNCs thường sử dụng nhà thầu phụ cùng quốc tịch cũng là rào cản lớn trong phát triển công nghiệp hỗ trợ, thậm chí các doanh nghiệp có trình độ công nghệ thấp, sản xuất sản phẩm đơn giản cũng là rào cản đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Việc phụ thuộc phần lớn linh kiện và phụ tùng nhập khẩu đã làm cho giá trị gia tăng do ngành công nghiệp chế biến chế tạo rất thấp so với các quốc gia trong khu vực.
- Chưa hình thành được các Tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo để tạo hiệu ứng lan tỏa cho công nghiệp Việt Nam.
Các Tập đoàn công nghiệp lớn đóng vai trò đầu mối trong việc đổi mới, phát triển sản phẩm, đảm bảo nguyên liệu, định vị sản xuất, chuyển giao thông tin và công nghệ, tổ chức hậu cần vận chuyển và thực hiện marketing và đẩy mạnh tiêu thụ. Các doanh nghiệp dẫn dắt trong từng chuỗi giá trị đóng vai trò quan trọng: họ kiểm soát mặt hàng nào được sản xuất, nơi sản xuất, người sản xuất, số lượng, giá cả và theo quy trình nào. Nếu công nghiệp Việt Nam không hình thành được các tập đoàn công nghiệp có qui mô khu vực và toàn cầu ở hạ nguồn, nền kinh tế sẽ thiếu tác động lan tỏa để phát triển.
- Mức độ liên kết và hợp tác kinh doanh giữa các doanh nghiệp trong cùng một ngành và giữa các ngành còn hạn chế, chưa tạo được mối liên kết phát triển giữa các ngành theo hướng hợp tác chuyên môn hoá phù hợp với cơ chế thị trường. Nhiều doanh nghiệp đầu tư khép kín, chưa phối hợp năng lực sẵn có của các doanh nghiệp khác để tăng nội lực cho ngành và đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh cao hơn. Điều này một mặt làm tăng chi phí đầu tư cho sản xuất, mặt khác gây lãng phí năng lực chung của toàn ngành, tạo ra những cạnh tranh không đáng có giữa các doanh nghiệp trong ngành.
Mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo. Trong mỗi một chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp Việt chỉ tham gia ở những khâu tạo giá trị thấp. Số lượng doanh nghiệp nội địa cung ứng cho các doanh nghiệp FDI và chuỗi cung ứng tại Việt Nam còn hạn chế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, máy công nghiệp. Khó khăn khi thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI một phần do số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là doanh nghiệp đáp ứng được các yêu cầu chất lượng, có khả năng cung ứng cho doanh nghiệp FDI, nhà cung cấp chuỗi vệ tinh còn rất ít ỏi. Công nghệ sản xuất, hệ thống quản lý, chủng loại sản phẩm cung ứng còn hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu cao của khách hàng. Thiếu các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực, thúc đẩy liên kết từ Chính phủ và các cơ quan hỗ trợ doanh nghiệp. Mối liên kết, trao đổi thông tin giữa doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vệ tinh còn hạn chế.
- Huy động vốn tài nguyên chưa hiệu quả. Trừ một số loại khoáng sản có tài nguyên, trữ lượng lớn, phù hợp với khai thác quy mô công nghiệp như dầu khí, than (49 tỷ tấn), bôxít (6,85 tỷ tấn), titan (650 triệu tấn khoáng vật nặng), apatit (2,6 tỷ tấn), đất hiếm (21 triệu tấn), đá hoa trắng (35 tỷ tấn) v.v., còn lại đa phần các loại khoáng sản có quy mô tài nguyên trữ lượng thuộc loại vừa và nhỏ, phân tán, điều kiện khai thác phức tạp, không phù hợp với đầu tư quy mô lớn, hiện đại.
Việc cấp giấy phép khai thác, chế biến khoáng sản của các địa phương những năm gần đây gia tăng lớn, chưa chú trọng nhiều đến tiêu chí năng lực, công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các điều kiện đảm bảo sau khi cấp giấy phép…mà chỉ mới quan tâm đến các khoản đóng góp cho ngân sách địa phương... đã làm lãng phí tài nguyên. Một số mỏ có qui mô lớn như mỏ sắt Thạch Khê, cromit Cổ Định... chưa được huy động kịp thời, tiến độ triển khai kéo dài chưa tận dụng hiệu quả để đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Với qui mô nền kinh tế với GDP hơn 200 tỷ USD năm 2016 như hiện nay, nếu huy động được thêm tài nguyên khoáng sản đưa vào chế biến sâu khoảng 1,5 tỷ USD sẽ làm tăng GDP khoảng 0,5% GDP Việt Nam.
PV (Theo Báo cáo của Bộ Công Thương)
Để lại bình luận